Có bao giờ bạn tự hỏi Từ bao giờ, thay vì đến với Yoga để tìm kiếm sự hợp nhất cơ thể, tinh thần và tâm hồn mình thì ta lại coi đó là môn thể dục, tập để dẻo, để tranh đấu để làm được những tư thế khó và đẹp mắt như người ta và hơn thế nữa?
Nếu bạn đang nằm trong số những người có suy nghĩ như vậy thì hy vọng 5 lí do dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm phần nào về việc không nên biến Yoga thành một môn tranh đấu.
Cơ thể mỗi người là khác nhau
Xét trên sự tổng quan thì con người có cấu tạo cơ thể giống nhau và khác với các loài động vật khác. Nhưng khi đi vào chi tiết, ngay vấn đề chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe riêng của mỗi người, ta đã thấy không ai giống ai cả. Mỗi người có một cơ địa riêng.
Người thì bẩm sinh cơ thể đã có sự dẻo dai nhất định. Người thì các cơ cứng ngắc khiến toàn thân khó vận động. Sự so sánh luôn là khập khiễng bởi mỗi người lại có một điểm mạnh, điểm yếu riêng, cả về thể chất bên ngoài lẫn tinh thần và nhận thức bên trong.
Vậy tại sao chúng ta lại muốn mình phải làm được các tư thế Yoga giống như người khác, thay vì phát huy những điểm mạnh của bản thân và trau dồi những phần còn yếu?
Chấn thương xảy ra chính là khi chúng ta không nhận biết và tôn trọng cơ thể mình mà ép mình làm được những thế ngoài khả năng. Tất cả chỉ để đổi lấy sự thỏa mãn rằng mình cũng làm được như mọi người thôi sao?
Mục đích tập Yoga của mỗi người là khác nhau
Bạn đến với Yoga vì điều gì? Nhiều người tập Yoga vì sức khỏe. Có người thì để có được sự thư giãn và cân bằng trong tinh thần. Người khác lại coi đó là môn luyện tập về tâm linh.
Tất cả chúng ta đều có lí do riêng để tập Yoga, và vì vậy hành trình Yoga của ta cũng hoàn toàn khác biệt với mọi người. Sẽ không công bằng nếu bạn lấy vị trí trên hành trình của mình ra để so sánh với người khác và đòi hỏi mình phải được như họ hay như một chuẩn mực nào đó.
Chưa chắc bạn đã hiểu được bạn tập của bạn đang nghĩ gì, muốn gì và đang ở đâu trên bước đường tập luyện Yoga của riêng họ.
Bởi vậy, thay vì nhìn sang người khác hay đỉnh cao nhất định, bạn hãy tập trung vào mục đích ban đầu của mình khi đến với Yoga, hoàn thành nó từng bước một với sự kiên nhẫn và chuyên tâm.
Tranh đấu cướp đi cảm hứng tập luyện
Cảm hứng khác với động lực phát sinh từ ý niệm cạnh tranh. Bạn có thể được truyền cảm hứng khi nhìn thấy một người tập một tư thế Yoga với thần thái đẹp mắt.
Tuy nhiên, nếu phát sinh ý muốn phải đạt được như vậy thì dù bạn có làm được tư thế ấy đi chăng nữa, chưa chắc bạn đã có được cái thần thái như của hình tượng ban đầu.
Sự cạnh tranh sẽ đánh mất đi cảm hứng tập luyện tự nhiên của bạn. Lẽ ra bạn sẽ cảm thấy thư thái và tràn đầy năng lượng sau mỗi buổi tập, dù chỉ với những động tác nhẹ nhàng, thì ý niệm muốn làm được như người khác đã khiến tâm trí bạn bị phân tán ngay trong buổi tập.
Chưa kể những cảm xúc ham muốn, ghen tỵ hay thất vọng về bản thân khi chưa tập được sẽ càng khó để bạn tìm được sự bình yên và cân bằng trong tinh thần với Yoga.
Không có sự hoàn hảo trong Yoga
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Yoga đã phát triển hơn so với nguyên gốc rất nhiều lần về phần Asana, các tư thế.
Hôm nay bạn có thể cho rằng tư thế Con bọ cạp hay Handstand đã là cái gì đó ghê gớm thì chưa chắc ngày mai bạn đã thấy như vậy nếu như bạn đã tập được nó.
Ai đó tập được cách thở Nauli khiến bạn ngưỡng mộ, đến một lúc có thể cũng chẳng đáng nể cho lắm khi bạn gặp được một người biết cách thở nào đó cao siêu hơn.
Không có giới hạn nào trong Yoga, cũng không có giới hạn cho sự luyện tập của bạn cũng như của mọi người. Bởi vậy, sự so sánh là vô nghĩa, ngay cả với khả năng của chính bạn hay với ai đi chăng nữa.
Vội vàng cũng không để làm gì vì điều đó chỉ khiến bạn ngày càng xa dần với ý nghĩa chân chính của việc tập luyện Yoga.
Đừng quên luyện tập cả tinh thần và tâm linh
Yoga không chỉ bao gồm các tư thế và một vài bài tập thở. Yoga còn bao hàm cả một hệ thống triết lý sâu sắc như tám nhánh yoga và bốn con đường yoga hành trình đến phúc lạc và những phần luyện tập về tinh thần và tâm linh.
Có thể ngày nay, ở những phòng tập Yoga thông thường, chúng ta không được hướng dẫn về những cách luyện tập cao hơn ấy nhưng thực ra, ngay trong việc luyện asana, thở và thiền, bạn cũng có thể tự học được rất nhiều điều có lợi để phát triển tinh thần bạn.
Ở asana đó là sự chú tâm vào từng chuyển động, hơi thở và lắng nghe cơ thể. Trong việc thực hành các cách hít thở, chúng ta có thể tập trung cảm nhận sự di chuyển của luồng khí đi vào đi ra.
Khi chưa thực hiện được một tư thế nào đó, ta học được cách kiên nhẫn với bản thân mình. Thấy một người chưa làm được một tư thế, ta học được cách cảm thông, chia sẻ với họ.
Đó là những gì bạn có thể thực hiện để phát triển tinh thần mình, hướng nó tới sự bình yên và giác ngộ về chân ngã của mình. Điều này liệu có thể phát huy khi bạn chỉ chăm chăm muốn hơn người khác?
Sự vui sướng khi nhận được lời khen từ bên ngoài có thể kéo dài mãi mãi và đồng nghĩa với việc bạn đã đạt được sự hợp nhất thân, tâm, trí theo như những gì mà tinh thần Yoga hướng đến? Hãy tự suy xét và cho mình câu trả lời thỏa đáng nhé!
Hy vọng với những chia sẻ ở trên, chúng ta, những người tập Yoga, sẽ tìm được cho mình ý niệm đúng đắn hơn trong quá trình tập luyện của mình. Có thể những suy nghĩ về sự cạnh tranh với các bạn tập khác hay với chính mình vẫn có mặt đâu đó trong ta.
Nhưng hãy cố gắng, mỗi ngày bớt nghĩ về điều đó đi một chút, tập trung vào bên trong cơ thể mình hơn, hướng tới sự an yên của mình, dần dần bạn sẽ hòa nhập được vào với cơ thể, hơi thở và tiến bước trên hành trình Yoga của bạn.